Mới 14 tuổi, Phạm Văn Cường - một cậu bé mắc bệnh Hemophilia (máu khó đông) đã phải đi viện một mình và đi học muộn tới 5 năm. Đó là một câu chuyện buồn nhưng ẩn sâu bên trong lại lấp lánh niềm vui, niềm hy vọng.
Những nỗi buồn…
Em Phạm Văn Cường sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng lại không may mắc bệnh máu khó đông. Những năm trước, do hoàn cảnh thiếu thốn mà chi phí mua thuốc điều trị hemophilia lại rất tốn kém nên em chẳng mấy khi được đi viện.
Mỗi lần cháu bị chảy máu trong cơ, khớp đau đớn vô cùng. Có những lần em nằm khóc thầm suốt đêm, mẹ em cũng khóc vì thương con nhưng lực bất tòng tâm, không sao lo được tiền đi viện cho con.
Vì thế mà mấy năm liền em Cường chỉ biết ở nhà chịu đựng những cơn đau, không được đi viện và cũng không thể đi học. Hoàn cảnh khó khăn lại bị căn bệnh hành hạ nên thể trạng của em cũng kém phát triển hơn so với các bạn cùng lứa tuổi.
Đến nay, đã 14 tuổi rồi mà Cường chỉ nặng có 27kg và mới học lớp 4 , chậm hơn các em cùng lớp đến 5 năm. Cũng từ cuối năm ngoái, Cường bắt đầu đi viện một mình để mẹ ở nhà còn tranh thủ cày cuốc, nuôi lợn nuôi gà kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình, lo cho em tiền đi viện.
…và niềm hy vọng
Những cậu bé, cô bé khác nếu mới 13 - 14 tuổi chắc hẳn cha mẹ không thể yên tâm khi cho con đi viện một mình. Nhưng đối với Cường, việc đó đã thành quen và dù không có mẹ ở bên em vẫn không thấy buồn tủi, đơn độc vì ở Viện em có những người anh em "đồng bệnh” thân thiết, có các bác sĩ, điều dưỡng đã thân thuộc như người nhà. Và một điều nữa khiến mẹ có thể yên tâm để em ở Viện là vì có những suất cơm từ thiện vẫn hàng ngày được các nhà hảo tâm hoặc nhân viên dinh dưỡng "thay mẹ” đưa tới tận giường bệnh cho em.
Em Phạm Văn Cường ở viện một mình và được chăm sóc nhờ những suất ăn từ thiện (Ảnh Công Thắng)
Ở tuổi 14 mà học cùng các em kém mình đến 5 tuổi, rất nhiều em trêu chọc Cường. Có em còn nói Cường là "đồ học đúp”. Nhưng Cường không buồn, không tủi thân, em chỉ nghĩ: "Các em ấy nói gì thì kệ, mình vẫn phải cố đi học”. Trong khi rất nhiều em khác đi học chậm đã không đủ quyết tâm đến trường vì mặc cảm. Nhưng Cường vẫn chăm chỉ đi học sau những ngày đi viện, những năm qua dù nghỉ học thường xuyên nhưng Cường vẫn là học sinh giỏi.
Giấy khen học sinh xuất sắc năm học vừa qua của em Phạm Văn Cường
Đằng sau câu chuyện "đi viện một mình” là niềm hy vọng về những tấm lòng nhân ái sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người bệnh, về những bác sĩ, điều dưỡng coi người bệnh như người nhà. Đằng sau câu chuyện về một cậu bé vì bệnh tật mà học muộn tới 5 năm là ý chí, là quyết tâm vượt qua những tiếng cười giễu cợt và nỗi mặc cảm để đến trường.
Và phía sau những chuyện buồn của một cậu bé Hemophilia, chúng ta có quyền hy vọng về một tương lai tươi sáng khi em Phạm Văn Cường sẽ được điều trị đầy đủ, được đi học và sau này có thể sống tự lập bằng chính sức lao động của mình.